Bệnh viện đa khoa vùng Tây Nguyên đưa vào sử dụng chỉ hơn 1 tháng nhưng xuất hiện nhiều điểm bất cập trong xây dựng. Lãnh đạo bệnh viện này phải đề xuất xin 63 tỷ đồng để sửa chữa.
Bệnh viện đa khoa vùng Tây Nguyên (Đắk Lắk) được khởi công xây dựng từ năm 2009, với kinh phí đầu tư 1.200 tỷ đồng từ nguồn vốn trái phiếu Chính phủ. Công trình do Sở Y tế Đắk Lắk làm chủ đầu tư. Sau gần 10 năm xây dựng, công trình mới được bàn giao cho Bệnh viện đa khoa tỉnh Đắk Lắk vận hành.
Mặc dù Bệnh viện đa khoa vùng Tây Nguyên mới đưa vào sử dụng hơn 1 tháng, một số hạng mục thể hiện sự bất hợp lý, gây khó khăn cho người dùng. Theo một lãnh đạo Bệnh viện đa khoa vùng Tây Nguyên, bệnh viện được thiết kế xây dựng 5 tầng tách biệt, điều này gây khó khăn cho bác sĩ cũng như bệnh nhân di chuyển giữa các tầng. Để khắc phục tình trạng này bệnh viện đã đề xuất UBND tỉnh Đắk Lắk chi 30 tỷ đồng để xây dựng cầu nối giữa các tầng.
Tại khu vực đăng ký khám chữa bệnh, mái che được làm bằng kính cường lực, do đó ánh nắng chiếu trực tiếp vào khu vực bệnh nhân ngồi chờ khám và trở thành “lò nướng”. Còn khi trời mưa, khu vực này bị tạt nước nên người dân không thể ngồi ở đây.
Còn hành lang nối các tòa nhà có độ dốc cao, gây nguy hiểm cho bệnh nhân, bệnh viện đã khắc phục bằng cách trải tấm thảm chống trượt. Tuy nhiên, theo lãnh đạo bệnh viện, đây chỉ là giải pháp tạm thời. Trong hình, mỗi khi bệnh nhân di chuyển phải 3 người nhà đẩy xe mới có thể lên dốc.
Theo thiết kế, các tòa nhà được lắp đặt hệ thống ống thoát nước nhỏ nên thường xuyên bị nghẹt, dẫn đến rò rỉ tại khu vực nhà vệ sinh.
Thang máy không đủ chiều dài để vận chuyển giường bệnh. Ngoài ra, hai thang máy tại tòa nhà B của bệnh viện cũng luôn trong tình trạng “đình công”.
Do nhà xử lý rác vẫn chưa xây dựng xong, nhân viên bệnh viện phải tập trung rác trước nhà đại thể (nhà xác) để chờ mang đi nơi khác.
Ngoài ra, bồn oxy lỏng của bệnh viện nhỏ, không đáp ứng đủ nhu cầu của bệnh viện. Bồn oxy chỉ sử dụng trong vòng 3 ngày là phải nhập mới.
Nước thải chứa hóa chất chảy quanh khu nhà kiểm soát, đóng thành lớp rêu màu xanh bốc mùi hôi thối.
Mặc dù bệnh viện được đưa vào hoạt động hơn 1 tháng, hệ thống PCCC chưa hoàn thiện, hệ thống phun tự động bị rò rỉ nước, hai trụ tiếp nước ngoài trời không có nước. Các tòa nhà A, B không có bồn nước chữa cháy riêng trên nóc, không có bản hướng dẫn sử dụng hệ thống điều khiển PCCC.
Khu vực nhà để xe của người thân bệnh nhân, nhân viên còn thiếu. Do đó, bệnh viện đề xuất UBND tỉnh Đắk Lắk chi 4 tỷ đồng để mở rộng nhà xe.
Bệnh viện cách trung tâm tỉnh Đắk Lắk chỉ khoảng 3 km nhưng hiện vẫn phải đi vòng vì tuyến đường chưa hoàn thành, ảnh hưởng tới quá trình di chuyển bệnh nhân. Theo một lãnh đạo Bệnh viện đa khoa vùng Tây Nguyên, đơn vị vừa có báo cáo gửi UBND tỉnh Đắk Lắk đề xuất giải quyết những tồn tại nêu trên. “Đơn vị đề xuất UBND tỉnh bố trí hơn 180 tỷ đồng để sửa chữa những tồn tại trong xây dựng cơ bản và mua sắm trang thiết bị chuyên môn nhằm đáp ứng nhu cầu khám chữa bệnh”, vị này nói.
Việc thiết kế bệnh viện không phải đơn giản mà cần có sự thống nhất, am hiểu chuyên môn và nắm vững các yếu tố kỹ thuật trong y tế.
Theo zing.vn
Bài viết liên quan:
– Thiết kế, cải tạo phòng khám Đa khoa có thật sự dễ ?
– Nhiều bệnh viện ‘khóc dở mếu dở’ vì thiết kế sai