Khi hoàn thành xâm chiếm Hà Nội và biến nơi đây thành thủ phủ Đông Dương, người Pháp đã cho tiến hành xây dựng một số bệnh viện nhằm phục vụ cho nhu cầu khám chữa bệnh, trước tiên là của người Pháp, sau đó là dành cho người bản xứ. Bên cạnh đó cũng xuất hiện một số bệnh viện, phòng khám tư nhân dành cho tầng lớp giàu có người Việt. Các bệnh viện ở Hà Nội thời Pháp thuộc được xây dựng trong nhiều giai đoạn khác nhau, dành cho các đối tượng khác nhau, nên rất phong phú về quy mô, trang thiết bị. Có những bệnh viện quy mô rất lớn như bệnh viện Indigène du Protectorat được thành lập từ năm 1904 dành để chữa bệnh cho người bản xứ – theo đúng như tên gọi của nó. Bệnh viện được xây dựng trên một khu đất khá rộng trên phố Bognis Desbordes (phố Tràng Thi) và được giới hạn bởi các phố Richard (phố Quán Sứ) và phố Julien Blanc (phố Phủ Doãn). Ngoài ra còn có khoa Sản bố trí phía đối diện phố Bognis Desbordes (nay là bệnh viện Phụ sản TƯ).
Bệnh viện Indigène du Protectorat (nay là bệnh viện Việt Đức)
Phong cách kiến trúc của các bệnh viện Hà Nội thời Pháp thuộc cũng rất đa dạng và tùy thuộc vào thời gian xây dựng. Những bệnh viện xây dựng cuối thế kỷ XIX đầu thế kỷ XX theo phong cách Tiền thực dân và phong cách Địa phương Pháp, bệnh viện Radium xây dựng năm 1927 theo phong cách Tân cổ điển, các bệnh viện xây dựng cuối những năm 1920 và những năm 1930 theo phong cách Art Deco hay phong cách Đông Dương.