Bạn có làm “sếp” ở đâu, có hô mưa gọi gió thế nào, đến bệnh viện cũng chỉ ngang hàng như các bệnh nhân khác. Nên cứ khiêm nhường lắng nghe, tuân thủ y lệnh sẽ có lợi hơn rất nhiều. Bác sĩ nói chung và nhân viên y tế nói riêng cũng sẽ không thích thú khi nghe câu: Tôi là người nhà của ông A, bà B, tôi là nhà báo, tôi là công an, … đâu nhé!
Bạn cũng đừng tận dụng các mối quan hệ trong bệnh viện để chen ngang. Hãy cư xử văn minh ngay cả khi phải phải xếp hàng chờ khám/chờ làm xét nghiệm. Thử nghĩ xem, tất cả những người đang chờ đợi đều là bệnh nhân, có người tuổi như bố mẹ mình ở nhà mà mình lại chen ngang, thật là không nên. Khi bạn chen ngang không chỉ gây cảm giác khó chịu cho những người bệnh và nhân viên y tế, mà đôi khi còn gây những cãi cọ/xung đột không đáng có, gây mất an ninh trật tự và sẽ gây ảnh hưởng không tốt tới bác sĩ của bạn nhé.
2. Ăn mặc cũng phải lịch sự và đúng mực. Ăn mặc quá hở hang có thể gây bối rối cho bác sĩ và những người tiếp xúc với bạn. Cũng không nên mặc váy (trừ trường hợp váy dành cho bà bầu) vì đôi khi sẽ gây bất tiện, ví dụ như trường hợp phải nằm và vén cao để siêu âm ổ bụng. Không nên mặc quần áo quá chật, ví dụ như không thể vén cao tay áo để các bác sĩ có thể đo huyết áp và khám chi trên được dễ dàng hơn nhé.
3. Đừng trang điểm đậm đà vì đôi khi sắc mặt, màu môi của bạn là cơ sở để các bác sĩ chẩn bệnh. Ví dụ như bạn bị thiếu máu (môi nhợt nhạt) mà bôi son môi hoặc săm môi có thể sẽ không nhận biết được (Tất nhiên là khám thiếu máu không chỉ khám môi, mà còn phải khám da và niêm mạc ở những vị trí khác nữa).
4. Đừng dùng đại từ xưng hô quá thân mật với bác sỹ, trừ khi đó là người nhà hoặc bác sĩ “ruột” của bạn. Khi vào khám, nên giữ thái độ điềm tĩnh, chọn đại từ xưng hô trung tính là “Bác sĩ” và “Tôi”. Nên dù bệnh nhân đã có tuổi nhưng cũng đừng buồn vì bác sĩ chị gọi mình là “bác” và xưng “tôi” nhé. Mình đã thấy nhiều chị 40-50 vẫn nói với bác sỹ chỉ gần 30 “anh ơi, em bị đau”; hoặc nhiều chị chỉ khoảng 50 tuổi nhưng lại gọi bác sĩ kém mình một vài tuổi bằng cháu xưng bác (có thể do vùng miền nữa) nên nhiều bác sĩ có thể có cảm giác khó chịu và mất thiện cảm với bạn. Đại từ tiếng Việt mình nhiều khi nhạy cảm, nên vào bệnh viện mình cần thận trọng.
5. Đừng kể lể dài dòng. Hãy tập cách nói ngắn gọn về bệnh trạng của mình. Điều này nếu bạn có con nhỏ, bạn cũng nên “tập luyện” cho con bằng trò chơi bác sỹ. Hãy giúp con có thể diễn tả thông qua việc làm mẫu: Mẹ thấy đau ở bụng, thi thoảng mẹ thấy đau đầu, có cảm giác như có con vật gì bay qua trước mắt; Mẹ bị đau răng, phía trong hàm, bên phải, nếu ấn vào má thấy đau… Kiểu như thế. Mình đã chứng kiến những người bệnh kể xong một hồi là bác sỹ tá hỏa tam tinh, bối rối thậm chí không hiểu gì luôn, rất bất lợi cho người bệnh. Nên cần thiết phải tập.
6. Đừng cố gắng “bắt bệnh” thay cho bác sỹ. Nhiều người vừa ngồi xuống là “em đau bụng lắm, em bị ruột thừa rồi”, “em bị sỏi thận, chắc nó đang đi xuống bàng quang”… nói chung nghe qua không biết ai là bác sỹ, ai là bệnh nhân. Việc bạn tự chẩn bệnh như vậy có thể gây khó chịu cho bác sỹ hoặc đôi khi có thể làm sai lệch những định hướng của của họ. Việc của bạn là hãy kể tình trạng của bạn một cách trung thực và đầy đủ để bác sĩ của bạn có định hướng chẩn đoán chính xác và khách quan hơn nhé.
7. Đừng tỏ vẻ coi thường bác sỹ, coi thường những người phục vụ trong bệnh viện. Họ biết cả đó. Chính sự tôn trọng của bạn sẽ khiến họ thận trọng hơn trong cách phục vụ. Hãy bỏ ra đầu ý nghĩ: Ông này/ bà này muốn vòi vĩnh gì đây; hoặc: Mình bỏ tiền ra thì họ phải phục vụ mình. Bạn cứ tuân thủ đúng nội quy, làm đúng hướng dẫn, khi ấy nếu có bất cứ vấn đề gì bạn đều có thể giải quyết được. Tất nhiên sẽ có những nơi, những người mà y đức không cao. Nhưng thực sự mình thấy con số đó không nhiều. Sự tử tế sẽ được đền đáp bằng sự tử tế. Các bác sĩ khi tiếp xúc với những người bệnh điềm tĩnh, tử tế và lịch thiệp cũng sẽ phải lịch thiệp và cẩn thận hơn trong lời ăn tiếng nói thôi.
Các bạn cũng đừng động cứ một tí là lại dấm dúi nhét tiền/phong bì vào túi bác sĩ nhé. Không phải ai cũng thích những hành động như vậy đâu ạ.
8. Bệnh viện không phải là công viên, đừng âu yếm, thân mật nhau quá. Mình rất nhiều lần phải quay mặt đi khi thấy những bạn ôm ấp nhau khi chờ khám, khi trong phòng bệnh. Đành rằng người bệnh cần được an ủi nhưng một cái nắm tay khe khẽ là đủ rồi.
9. Đừng đi cùng quá nhiều người nhà trừ trường hợp thật cần thiết. Nhiều khi một bệnh nhân mà cả chục người nhà, như một cuộc diễn tập thể hiện tình cảm gia đình, sợ lắm. Trường hợp cần nghe ý kiến bác sĩ hoặc được bác sĩ giải thích về bệnh, chỉ cần 2-3 người nhà có quyền quyết định là đủ. Quá nhiều người nhà bủa vây sẽ gây áp lực, khó chịu và bối rối không cần thiết cho các bác sĩ đâu nhé.
10. Trừ những bệnh nhè nhẹ còn lại nếu bệnh nặng, có thể có “double check”, tức là kiểm tra đối chứng với cơ sở y tế khác, bác sỹ khác, hoặc nếu bạn có người quen/người nhà làm nhân viên y tế thì càng tốt. Vì bác sĩ cũng là người, máy móc cũng có thể có sai sót nên ai cũng có thể/có lúc mắc sai lầm, nhầm lẫn. Tuy nhiên cũng không cần thiết phải chạy quá nhiều nơi/nhiều bệnh viện sẽ gây những tốn kém và hoang mang không cần thiết. Bạn nên tìm hiểu và lựa chọn những cơ sở y tế chuyên khoa có uy tín để kiểm tra lại nhé. Nếu phát hiện ra có sai sót, nhầm lẫn, bạn nên gặp lại để trao đổi trực tiếp với bác sĩ đã khám cho bạn. Tránh làm ầm ĩ lên hoặc gọi điện ngay cho đường dây nóng mà chưa tìm hiểu kỹ. Trừ những trường hợp sai sót rất nghiêm trọng, cần đến pháp luật can thiệp và xử lý (cần đến luật sư, công an, sự can thiệp của lãnh đạo trong bệnh viện), còn những trường hợp hoàn toàn có thể sữa chữa hoặc khắc phục được thì hãy tạo điều kiện cho các bác sĩ/nhân viên y tế có cơ hội sửa sai và rút kinh nghiệm. Khi họ mắc/phát hiện ra có sai sót thì bản thân họ cũng đã rất day dứt, áy náy rồi; và họ cũng sẽ rút ra được bài học cho riêng mình, để phục vụ bệnh nhân được tốt hơn. Tha thứ được thì cũng nên tha thứ, để lòng mình được nhẹ nhàng hơn nhé.
KTBV.vn sư tầm