Hiện nay, thị trường thiết bị y tế đang có sự phát triển vượt bậc cả về số lượng, chủng loại và công nghệ. Trong khi đó, sự cạnh tranh khốc liệt giữa các hãng sản xuất dẫn tới giá thành thiết bị ngày càng hạ. Do đó, việc sử dụng các thiết bị X- Quang đặc thù không còn chỉ giới hạn trong các Bệnh viện như trước kia mà ngay cả các đơn vị y tế tư nhân cũng có khả năng trang bị thiết bị này. Chính việc sử dụng rộng rãi đã đặt ra một vấn đề không nhỏ là đảm bảo an toàn khi xây dựng phòng thiết bị sử dụng máy X – Quang, cũng như các máy phát ra tia phóng xạ khác.
Yêu cầu tối thiểu cho một cơ sở X-Quang
Các phòng có sử dụng máy phát ra tia phóng xạ phải được bảo vệ, che chắn tuyệt đối không cho các tia phóng xạ lọt ra hành lang hoặc các không gian khác làm ảnh hưởng đến sức khoẻ của mọi người. Nó đặc biệt gây nguy hiểm đối với nhân viên y tế, người bệnh và môi trường.
Bên cạnh những tác dụng của việc chụp X – Quang, tia X rất độc hại nếu chụp X – Quang không được tiến hành trong điều kiện an toàn, phòng chụp, thiết bị chụp không đạt tiêu chuẩn an toàn do Bộ Y tế và tổ chức Y tế thế giới đề ra. Bức xạ là một trong những tác nhân có thể liên quan tới bệnh tật, gây ra sự tổn thương bức xạ ở mức phân tử, tế bào và hệ thống cơ quan của con người.
Theo tiêu chuẩn thiết kế – phòng chẩn đoán hình ảnh: X – Quang, CT-Scanner, MRI shielding room phải đảm bảo các yêu cầu:
Kết cấu công trình phải đảm bảo độ bền vững (sử dụng khung cột thép, bê tông cốt thép). Tường gạch và các vật liệu hoàn thiện bao che.
Nền, sàn không được có bậc thang, không chênh cốt hoặc ngưỡng cửa, lát gạch ceramic, granit, tấm vinyl hoặc phủ sơn đặc biệt; đảm bảo phẳng, nhẵn, không trơn trượt, chịu được hoá chất, chống thấm, chống tĩnh điện và dễ vệ sinh.
Trường hợp đặt tại các tầng trên: sàn phải đảm bảo an toàn bức xạ cho các tầng phía dưới.
Tường phải được hoàn thiện bằng các giải pháp: trát, ốp vật liệu bền vững, sơn silicat; đảm bảo lớp che phủ bề mặt phẳng, nhẵn, mỹ quan, chống thấm.
Tường bên trong các phòng chiếu, chụp phải sử dụng vật liệu cản tia xạ (chì lá, vữa barit, cao su chì).
Tường bên trong khu vực hành lang và các phòng có chuyển cáng, xe và giường đẩy phải gắn thanh chống va đập ở độ cao từ 0,7 – 0,9m (tính từ sàn).
Trần bên trong phòng và hành lang phải có bề mặt phẳng, nhẵn (không bám bụi) và chống thấm, cách nhiệt tốt, lắp đặt các thiết bị chiếu sáng, phòng cháy, chữa cháy, điều hoà không khí và các thiết bị kỹ thuật (có các giải pháp kết cấu đảm bảo lắp đặt thiết bị). Trần bên trong các phòng chụp phải trát bằng vữa barit hoặc ốp vật liệu cản tia xạ (nếu có tầng trên).
Cửa chắn tia bức xạ phải đảm bảo các yêu cầu: Cánh cửa bọc vật liệu cản tia (chì lá, cao su chì….). Có đèn hiệu, biển cảnh báo bức xạ ở ngang tầm mắt ở mặt phía bên ngoài phòng. Cửa đóng mở nhẹ nhàng, đảm bảo kín không để lọt tia xạ khi chiếu, chụp.
Cửa sổ phải đảm bảo các yêu cầu sau: Có khuôn, cánh cửa bằng gỗ hoặc kim loại (nhôm, thép) kết hợp với kính trong hoặc mờ để chiếu sáng tự nhiên và có chốt đóng an toàn.
Các phòng đặt thiết bị X – Quang, máy chụp cắt lớp và máy cộng hưởng từ không bố trí cửa sổ để đảm bảo an toàn bức xạ, che chắn sóng điện từ. Phòng đặt thiết bị phải đảm bảo yêu cầu kỹ thuật và đảm bảo an toàn (không để tia xạ lọt ra bên ngoài; không để lọt ánh sáng vào phòng rửa phim…).
Hộp chuyển đồ gắn trên phòng tráng rửa phim thông với các bộ phận chức năng. Ô kính quan sát phải đảm bảo các yêu cầu sau: Ô kính chì đảm bảo khả năng cản tia bức xạ.
Một cơ sở X quang tối thiểu phải gồm các phòng riêng biệt: Phòng chờ (hoặc nơi chờ) của bệnh nhân; Phòng đặt máy X – Quang; Phòng xử lý phim (phòng tối); Phòng (hoặc nơi) làm việc của các nhân viên bức xạ.
Phòng chờ (hoặc nơi chờ) của bệnh nhân phải tách biệt với phòng máy X – Quang. Độ bức xạ giới hạn ở mọi điểm trong phòng này không được vượt quá liều giới hạn cho phép là 1 mSv/năm.
Phòng đặt máy X – Quang đáp ứng các yêu cầu: Thuận tiện cho việc lắp đặt, vận hành thao tác máy, di chuyển an toàn bệnh nhân. Khi tính toán, thiết kế độ dày của tường, trần, sàn và các cửa phòng X – Quang phải chú ý đến đặc trưng của thiết bị (điện thế, cường độ dòng điện), thời gian sử dụng máy, hệ số chiếm cứ bên ngoài phòng X quang mà tính toán chiều dày thích hợp cho từng bức tường, cửa, trần, sàn nhà. Đặc biệt ở vị trí giáp nối giữa tường và các cửa hoặc giữa các bức tường của phòng máy X – Quang phải được thiết kế, xây dựng bảo đảm mức bức xạ rò thoát ra ngoài không vượt quá 1 mSv/năm (không kể phông bức xạ tự nhiên). Các bức tường của phòng X – Quang phía ngoài có lối đi lại phải bảo đảm liều bức xạ cho phép trong một năm không được vượt quá 1 mSv (không kể phông bức xạ tự nhiên).
Mép dưới của các cửa thông gió, các cửa sổ không có che chắn bức xạ của phòng X – Quang phía ngoài có người qua lại phải có độ cao tối thiểu là 2m so với sàn nhà phía ngoài phòng X – Quang.
Phải có đèn hiệu và biển cảnh báo bức xạ ở ngang tầm mắt gắn phía bên ngoài cửa ra vào phòng X – Quang.
Đèn hiệu phải phát sáng trong suốt thời gian máy ở chế độ phát bức xạ.
Việc lắp đặt máy X – Quang phải bảo đảm: khi máy hoạt động, chùm tia X không phát ra hướng có cửa ra vào hoặc hướng có nhiều người qua lại và phải được che chắn bảo vệ tầm nhìn của mắt khỏi nguồn bức xạ.
Chiều cao tấm chắn phải trên 2 m kể từ sàn nhà, chiều rộng tấm chắn tối thiểu là 90 cm và độ dày tương đương là 1,5 mm chì.
Các phòng có bố trí 2 máy X – Quang thì mỗi khi chiếu, chụp chỉ cho phép vận hành 1 máy.
Tuỳ theo mỗi loại máy mà bàn điều khiển được đặt trong hoặc ngoài phòng X – Quang. Phải có kính chì để quan sát bệnh nhân và phải bảo đảm độ bức xạ giới hạn tại bàn điều khiển không được vượt quá 20 mSv/năm từ là 10 mSv/h (không kể phông bức xạ tự nhiên).
Kích thước phòng X – Quang quy định như sau: Phòng X – Quang không có bàn bệnh nhân, diện tích của phòng không được nhỏ hơn 12m2, kích thước một chiều không nhỏ hơn 3m; Phòng X- Quang có trang bị bàn bệnh nhân cố định hay di động, diện tích của phòng không được nhỏ hơn 14m2, kích thước một chiều không nhỏ hơn 3m; Phòng X- Quang có trang bị bàn bệnh nhân có thể lật nghiêng được, diện tích của phòng không được nhỏ hơn 20m2, kích thước một chiều không nhỏ hơn 3,5m; Nếu máy X -Quang có bản thiết kế phòng của nhà sản xuất kèm theo, kích thước phòng tối thiểu phải không nhỏ hơn kích thước quy định bởi nhà sản xuất. Đối với các phòng X – Quang có kích thước nêu trên, tủ điều khiển phải đặt ở bên ngoài phòng X – Quang. Phòng xử lý phim phải biệt lập với phòng X – Quang, phải bảo đảm liều không ảnh hưởng đến quá trình xử lý phim và bảo đảm cho các phim chưa xử lý không bị chiếu quá liều (1,13 mR/tuần), không kể phông bức xạ tự nhiên. Cửa ra vào phòng xử lý phim không bị chiếu bởi các tia trực tiếp. Hộp chuyển catset đặt trong phòng X -Quang phải có vỏ bọc có độ dày tương đương là 2mm chì.
Phòng hoặc nơi làm việc của nhân viên bức xạ phải biệt lập với phòng máy X – Quang. Độ bức xạ giới hạn cho phép tại bất kỳ điểm nào trong phòng không được vượt quá 1 mSv/năm (không kể phông bức xạ tự nhiên).