Sự cần thiết đầu tư bệnh viện tư nhân

I. NGHIÊN CỨU THỊ TRƯỜNG

1) Tình hình kinh tế :

Trong những năm trở lại đây, kinh tế Việt Nam tăng trưởng với tốc độ cao. Năm 2020 được xem là một năm của những khó khăn và thách thức lớn đối với kinh tế thế giới nói chung, trong đó có Việt Nam. Kinh tế thế giới được dự báo suy thoái nghiêm trọng nhất trong lịch sử, tăng trưởng của các nền kinh tế lớn đều giảm sâu do ảnh hưởng tiêu cực của dịch Covid-19. Tuy nhiên, kinh tế Việt Nam vẫn duy trì tăng trưởng với tốc độ tăng GDP ước tính đạt 2,91%. Mặc dù tăng trưởng GDP năm 2020 đạt thấp nhất trong giai đoạn 2011-2020 nhưng trước những tác động tiêu cực của dịch Covid-19 thì đó là một thành công của nước ta với tốc độ tăng thuộc nhóm nước cao nhất thế giới.

Việc ký kết các Hiệp định thương mại tự do đã mang lại những tín hiệu tích cực cho nền kinh tế Việt Nam, đặc biệt là Hiệp định Thương mại tự do giữa Việt Nam và EU (EVFTA). Năm 2020, xuất khẩu sang EU đạt 34,8 tỷ USD; đáng chú ý, sau 5 tháng được thực thi (từ 01/8/2020), tổng kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam sang EU đạt 15,4 tỷ USD, tăng 1,6% so với cùng kỳ năm trước. Điều này phản ánh năng lực sản xuất trong nước tăng trưởng cao, môi trường đầu tư, sản xuất, kinh doanh được tạo thuận lợi và quá trình hội nhập kinh tế quốc tế của Việt Nam đã gặt hái được nhiều thành tựu. Đây là kết quả đáng khích lệ trong bối cảnh kinh tế khu vực EU suy giảm nghiêm trọng và tiếp tục đối mặt với dịch Covid-19 diễn biến phức tạp.

Bên cạnh kết quả tăng trưởng đạt được trong năm 2020, nền kinh tế Việt Nam vẫn còn tồn tại nhiều vấn đề cần phải giải quyết. Với độ mở lớn, hội nhập quốc tế ngày càng sâu rộng nên mọi biến động của kinh tế thế giới đều tác động đến các lĩnh vực kinh tế – xã hội nước ta. Dịch Covid-19 tuy được khống chế ở Việt Nam nhưng còn diễn biến phức tạp trên thế giới, các hoạt động sản xuất, cung ứng và lưu chuyển thương mại, hàng không, du lịch, lao động và việc làm bị đình trệ, gián đoạn. Bên cạnh đó, xuất khẩu tăng trưởng nhưng chưa đảm bảo tính bền vững, năng suất lao động vẫn ở mức thấp… Do vậy, nước ta cần tập trung thực hiện mục tiêu kép “vừa phòng chống dịch bệnh hiệu quả, vừa tận dụng tốt các cơ hội, nỗ lực phục hồi và phát triển kinh tế – xã hội trong trạng thái bình thường mới”; đồng thời khai thác tối đa tiềm năng, lợi thế để đưa nền kinh tế đạt mức tăng trưởng cao nhất trong năm 2021.

2) Tình hình xã hội :

Năm 2020 tình hình kinh tế – xã hội nước ta diễn ra trong bối cảnh dịch bệnh Covid-19 gặp không ít khó khăn, thách thức do vừa phải chống dịch vừa phải đảm bảo phát triển kinh tế xã hội. Mặc dù thu nhập của dân cư có giảm so với năm 2019 nhưng tỷ lệ hộ nghèo vẫn giảm do Chính phủ thực hiện tốt các chính sách an sinh xã hội. Tuy nhiên, mức sống vẫn có sự cách biệt giữa thành thị và nông thôn, giữa nhóm dân cư giàu và nghèo, giữa các vùng.

3) Hiện trạng ngành Y tại Việt Nam

a. Tình hình chung

Mạng lưới bệnh viện ở Việt Nam khá rộng khắp. Hầu hết được thiết lập tốt nhưng các bệnh viện tại Việt Nam hiện đang phải đối mặt với một số thách thức lớn. Hầu hết các bệnh viện công trong nước đã được xây dựng cách đây hơn hai thập kỷ, cơ sở hạ tầng đã cũ và lạc hậu, cần được nâng cấp.

Việt Nam có khoảng 1.531 bệnh viện, trong đó hơn 86% là bệnh viện công và gần 14% là bệnh viên tư, chủ yếu tập trung ở các khu vực đô thị lớn như TP. Hồ Chí Minh, Hà Nội và Đà Nẵng. 1.318 bệnh viện công được quản lý theo hệ thống phân cấp, được phân loại theo tuyến trung ương, tuyến tỉnh và tuyến huyện hoặc tuyến xã.

Tuy nhiên, tình trạng quá tải thường xuyên xảy ở các bệnh viện chuyên khoa sâu hay một số bệnh viện nổi tiếng đầu ngành. Số lượng bệnh nhân muốn được điều trị ở các bệnh viện tuyến trung ương quá đông do có đầy đủ trang thiết bị y tế và đội ngũ y bác sỹ tay nghề cao. Kết quả là các bác sĩ và y tá bị quá tải, phải phục vụ số lượng lớn bệnh nhân, làm việc nhiều giờ trong điều kiện căng thẳng với mức lương khá thấp.

b. Những hạn chế

Mặc dù lĩnh vực y tế số ở Việt Nam rất hấp dẫn, nhưng các rào cản về chính sách và khung pháp lý yếu vẫn tiếp tục là thách thức đối với các nhà đầu tư nước ngoài thiếu kinh nghiệm.

Thứ nhất là thói quen các bác sỹ, chuyên gia y tế và bệnh nhân trong việc sử dụng tài liệu giấy. Thứ hai, các quy trình hành chính rườm ra và phức tạp làm chậm việc áp dụng kỹ thuật số, ví dụ việc ứng dụng chữ ký điện tử trong thanh toán bảo hiểm y tế quốc gia.

Thứ ba, các hệ thống CNTT y tế vẫn chưa chia sẻ dữ liệu người bệnh với nhau, liên quan đến vấn đề bảo mật thông tin, hồ sơ sức khỏe. Các bệnh viện cũng sử dụng những giải pháp, phần mềm khác nhau nên việc kết nối dữ liệu với nhau sẽ là một thách thức tương đối lớn.

Thực tế, lĩnh vực y tế số tại Việt Nam hiện chưa phát triển tương xứng với tiềm năng của nó, vốn đầu tư thu hút được ít hơn đáng kể so với các lĩnh vực liên quan như thanh toán hoặc thương mại điện tử.

Chính phủ Việt Nam đang thúc đẩy chương trình số hóa tại các bệnh viện và phòng khám trên cả nước. Các giải pháp thông minh đang được khuyến khích mạnh mẽ, như sử dụng các công nghệ dữ liệu lớn (big data), trí tuệ nhân tạo (AI), điện toán đám mây và công nghệ di động để giúp giảm bớt tình trạng quá tải của các bệnh viện công và nâng cao chất lượng chăm sóc người bệnh.

Mới đây, Chính phủ đã thông qua Luật Đầu tư sửa đổi 2020 số 61/2020/QH14 gồm 7 chương và 77 Điều, có hiệu lực từ ngày 01/01/2021, nhằm khuyến khích đầu tư vào 5 lĩnh vực trọng điểm bao gồm y tế. Các dự án thuộc các lĩnh vực này sẽ được hưởng lợi từ ưu đãi thuế thu nhập doanh nghiệp, miễn giảm tiền thuê đất và hỗ trợ tín dụng.

Nhìn chung, các giải pháp này khẳng định cam kết của Chính phủ Việt Nam trong việc tạo ra một môi trường kinh doanh thuận lợi, hấp dẫn các nhà đầu tư, đồng thời để đáp ứng nhu cầu trong lĩnh vực chăm sóc sức khỏe đang ngày càng phát triển.

Do đó, hệ thống bệnh viện tại Việt Nam cần được nâng cấp cả về cơ sở vật chất, trang thiết bị và dịch vụ. Những khoảng cách y tế hiện tại tạo cơ hội cho y tế tư nhân phát triển để tăng cường cung cấp dịch vụ chăm sóc sức khỏe và nâng cao hiệu quả cũng như chất lượng dịch vụ.

c. Y tế tư nhân

Trước thời kỳ đổi mới, hệ thống Y tế Việt Nam được xây dựng và phát triển theo định hướng xã hội chủ nghĩa. Y tế nhà nước đóng vai trò chủ đạo trong sự nghiệp chăm sóc và bảo vệ sức khỏe cho nhân dân. Qua nhiều năm vận hành, đã có những tồn tại về mặt cơ chế, chính sách, nhằm giải quyết những hạn chế đó cộng với mục tiêu đáp ứng nhu cầu đa dạng của nhân dân trong việc gìn giữ sức khỏe, Nhà nước đã ban hành Pháp lệnh mới về hành nghề y dược tư nhân. Sự có mặt của y tế tư nhân giúp khả năng tiếp cận dịch vụ y tế của người dân được cải thiện.

Khi y tế tư nhân phát triển thì các bệnh viện tư cũng phát triển theo, bên cạnh đó, phân bổ y tế tư nhân không đồng đều, tập trung chủ yếu ở vùng có điều kiện kinh tế phát triển, mất cân đối rõ rệt ở thành thị và nông thôn cũng như giữa các vùng địa lý. Tuy vậy, với sự giúp đỡ của y tế công, hệ thống y tế tư nhân đã từng bước trưởng thành và phát triển, chia sẽ được phần nào sự quá tải của hệ thống y tế công, góp phần cùng với y tế công trong sự nghiệp chăm sóc và bảo vệ sức khỏe cho nhân dân với chất lượng dịch vụ cao ngày càng gia tăng.

II. SỰ CẦN THIẾT & MỤC TIÊU ĐẦU TƯ:

Báo cáo mới nhất của Tổ chức y tế thế giới cho biết chi tiêu cho y tế đang tăng nhanh ở các nước thu nhập thấp và trung bình trên toàn cầu, chiếm 10% tổng sản phẩm quốc nội (GDP). Đặc biệt, đáng chú ý ở các nước thu nhập thấp và trung bình, là những nước có tỷ lệ gia tăng cao chi tiêu cho y tế (trung bình 6% mỗi năm) so với các nước thu nhập cao (4% mỗi năm).
Theo nghiên cứu thị trường Business Intemational Monitor, tổng chi tiêu y tế của hơn 90 triệu dân Việt Nam hiện chiếm đến 5.8% GDP, cao nhất ASEAN và sẽ đạt con số trên 24 tỉ USD vào năm 2021 nhờ lộ trình xã hội hóa y tế mà Chính phủ đang tiến hành.

Chăm sóc sức khỏe là lĩnh vực đặc thù, nơi mà người dân không muốn đặt cược rủi ro sức khỏe của mình vào bệnh viện cơ sở thấp kém, ít tên tuổi. Niềm tin vào chất lượng các bệnh viện trong nước ( kể cả công và tư) vẫn còn rất thấp, góp phần giải thích con số 1-2 tỉ USD chảy ra nước ngoài mỗi năm khi người Việt xuất ngoại chữa bệnh.
Trong khi các nước xung quanh như Singapore, Malysia, Thái Lan đang phát triển du lịch y tế tạo nên nguồn ngoại tệ đáng kể cho đất nước, thì nước ta vẫn chưa có chiến lược nào để tham gia thị trường này dù những nhà quản lý luôn tự hào ‘‘ bác sĩ Việt Nam không thua bác sĩ nước ngoài “.

Chính từ thực tế đó việc đầu tư xây dựng một bệnh viện mới với cơ sở khang trang, thiết bị hiện đại sẽ là rất cần thiết và mang lại ý nghĩa thiết thực trong việc phục vụ các dịch vụ y tế, chăm sóc sức khỏe cho người dân tỉnh nhà. Điều đáng quý hơn là chăm sóc sức khỏe cho người dân của tỉnh theo phương chăm dịch vụ y tế hiện đại, chuyên nghiệp, nâng cao chất lượng khám chữa bệnh, giảm thiểu sự quá tải đối với các bệnh viện trong tỉnh cũng như các bệnh viện tuyến trên góp phần to lớn vào sự nghiệp phát triển kinh tế – xã hội của tỉnh nhà nói riêng và của cả nước nói chung. Mặc khác, có thể nâng tầm lên phục vụ bệnh nhân là người nước ngoài theo hình thức “ du lịch chữa bệnh“, “ nghỉ dưỡng chữa bệnh“. Do đó, chúng tôi – công ty TNHH Thiết Kế Kiến Trúc Bệnh Viện rất vinh dự được hợp tác cùng các nhà đầu tư sớm tạo điều kiện để dự án được đi vào hoạt động.